Cộng Đồng Mạng

Bị phản đối, cha đẻ tiếng Việt cải cách: Mọi người đã hiểu sai ý tôi

Người sáng tạo ra chữ Việt Nam song song 4.0 nhận định kiểu chữ này không phải để thay thế Quốc ngữ mà bổ trợ trong nhiều tình huống khác nhau.

Chữ Việt Nam song song 4.0 do ông Kiều Trường Lâm sáng tạo sau khi công bố nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, một số khen sáng tạo nhưng cũng không ít ý kiến mỉa mai thậm chí bình luận đây là kiểu chữ viết “què quặt”.

 
Ông Trường Lâm là người sáng tạo ra chữ tiếng Việt mới. (Ảnh: Thanh Niên)
Ông Trường Lâm là người sáng tạo ra chữ tiếng Việt mới. (Ảnh: Thanh Niên)

Theo thông tin từ Thanh Niên, kiểu chữ này được ông nghiên cứu từ năm học lớp 2 và đề tài ký hiệu dấu cho chữ Quốc ngữ được hoàn thành khi học lớp 10. Đến năm 2012, ông kết hợp kiểu chữ của mình với đề tài Chữ Việt nhanh của ông Trần Tư Bình để nghiên cứu công trình chữ Việt Nam song song 4.0. Trải qua 27 năm nghiên cứu, tháng 10/2019 chữ Việt Nam song song 4.0 chính thức sáng tạo thành công.

Ông Kiều Trường Lâm cho biết bản thân không có ý định cải tiến chữ Quốc ngữ. Theo đó tiếng Việt cải cách sẽ sử dụng song song với chữ viết hàng ngày, không ảnh hưởng đến chữ Quốc ngữ. Ông từng chia sẻ với báo chí: “Đơn thuần đó chỉ là công cụ viết tắt, bổ trợ cho chữ Quốc ngữ không hơn, không kém. Mọi người đang hiểu sai về mong muốn này của tôi và ông Trần Tư Bình.”

Trước đây ông nhận thấy nhiều bạn trẻ gây hiểu lầm tệ hại khi nhắn tin không dấu. Nguyên nhân là do mỗi người lại có cách sáng tạo khác nhau không đồng nhất khiến sự trao đổi thông tin khó khăn, mất thời gian. Chính vì vậy ông đã sáng tạo ra kiểu mới khắc phục nhược điểm này. Như vậy, tiếng Việt cải cách không ảnh hưởng tới chữ Quốc ngữ mà chỉ giúp câu chuyện được trao đổi nhanh hơn trong giao tiếp khi sử dụng trong các trường hợp nhắn tin không dấu.

 
Ông nhận định kiểu chữ mới sẽ giúp giao tiếp nhanh hơn khi nhắn tin không dấu. (Ảnh: VOV)
Ông nhận định kiểu chữ mới sẽ giúp giao tiếp nhanh hơn khi nhắn tin không dấu. (Ảnh: VOV)

Nguyên nhân ông dùng “chữ tiếng Việt Nam song song 4.0″ đặt tên cho công trình bởi muốn kiểu chữ này sẽ phát huy lợi thế trên các lĩnh vực công nghệ thông tin, máy tính. Bởi lẽ theo ông Lâm, lợi ích của bộ chữ trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã được nhiều kỹ thuật viên IT kiểm chứng.

Ông nhận định truyền thông đưa tin bộ chữ dùng để cải tiến tiếng Việt là không đúng: “Độc giả cần đặt bộ chữ Việt nhanh của tôi vào hoàn cảnh và mục đích phù hợp để thấy nó không sai; đừng vội đặt bộ chữ vào hoàn cảnh giao tiếp, đọc hiểu kiểu truyền đạt thông tin truyền thống để phán xét, lăng mạ. Bộ chữ của chúng tôi chỉ là một loại chữ viết tắt không dấu và không phải chữ cải tiến.”

 
Chứng nhận bản quyền tác giả công trình của ông Lâm. (Ảnh: VTV)
Chứng nhận bản quyền tác giả công trình của ông Lâm. (Ảnh: VTV)

Được biết, những nhận định này được ông chia sẻ với báo chí cách đây khá lâu nhưng thời gian gần đây nó được cư dân mạng “đào” lại. Trước lời giải thích của ông Lâm, nhiều cư dân mạng tiếp tục đưa ra các ý kiến trái chiều. Một số cho rằng chữ Việt Nam từ trước đến nay được xem là cái hồn của dân tộc, sử dụng từ bao thế hệ nên để bảo ngày một ngày hai mọi người chấp nhận là rất khó. Hơn nữa, nhiều cư dân mạng nhận định dùng chữ này còn bị rối mắt hơn là đọc chữ không dấu. Chính vì vậy nhiều bình luận nhận định lợi ích giảm khó khăn trong giao tiếp tin nhắn là không khả thi.

Tuy nhiên một số khác lại có cái nhìn cởi mở hơn, họ cho rằng có thể xét về khía cạnh khác bộ chữ mới này sẽ có tác dụng. Cư dân mạng cho rằng có thể với các lĩnh vực IT, công nghệ thông tin không thể sử dụng có dấu thì bộ chữ mới này mang đến lợi ích thiết thực nào đó.

 
Bài Sóng được viết lại theo kiểu chữ mới của ông Lâm. (Ảnh: VTV)
Bài Sóng được viết lại theo kiểu chữ mới của ông Lâm. (Ảnh: VTV)

“Trời ơi bây giờ ai còn nhắn tin không dấu nữa đâu mà ông bảo là giảm khó khăn trong việc này. Người yêu tôi mà nhắn tin không dấu là tôi cho đi luôn ấy chứ.”

“Thực ra là đọc chữ không dấu còn dễ hơn là bộ chữ của ông đó ông Trường Lâm ạ.”

“Nếu nhìn ở một khía cạnh khác thì có thể công nghệ thông tin sẽ có lợi nhỉ, mình không phải trong ngành nên cũng chỉ phỏng đoán thôi.”

“Muốn người khác chấp nhận thì cần thời gian đó là điều chắc chắn, không thể bắt người ta đùng phát thừa nhận liền trong khi người ta đã dùng tiếng Việt bao đời rồi.”

Hiện tại ông Trường Lâm vẫn tích cực cho rằng khi một sản phẩm mới ra đời nhận về nhiều luồng ý kiến trái chiều là điều không tránh khỏi. Ông luôn trân trọng những điều đó và trong thời gian tới sẽ cố gắng thật nhiều để mọi người hiểu rõ hơn tâm huyết của mình.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Back to top button