Xôn xao chủ vườn lan Hà Nội ôm 200 tỷ đồng của người mua bỏ trốn

Hai số điện thoại của chủ vườn lan đều không liên lạc được song chính quyền địa phương cho biết nơi đây vẫn hoạt động kinh doanh bình thường.
Mới đây, trên mạng xã hội đang xôn xao về bài đăng tố một chủ vườn hoa lan ở Ứng Hòa, Hà Nội ôm 200 tỷ đồng khách đặt mua hoa rồi bỏ trốn. Để xác minh thông tin, phía YAN đã thử liên hệ vào hai số điện thoại trong ảnh nhưng đều không nhận được phản hồi.
Bài đăng truy tìm tung tích chủ vườn lan ôm 200 tỷ đồng của khách hàng bỏ trốn. (Ảnh: Chụp màn hình)
Tuy nhiên, theo Dân Việt, ông Nguyễn Như Tuyển, chủ tịch UBND xã Hòa Nam cho biết, trên địa bàn đúng là có một vườn lan với địa chỉ và số điện thoại như trong bài đăng lan truyền trên mạng những ngày này.
Song ngay sau khi nhận được phản ánh và cùng công an xã kiểm tra, ông Tuyển chia sẻ vẫn chưa nhận được đơn tố cáo hay có người dân nào trong khu vực phàn nàn về sự việc này. Ông Tuyển khẳng định: “Hôm nay (12/4) vườn lan vẫn hoạt động bình thường, không có tình trạng tụ tập đông người hay việc tố cáo vườn lan này ôm tiền bỏ trốn.”
Không có tình trạng tụ tập hỗn loạn song tại vườn lan vẫn ghi nhận một số người được cho là nạn nhân đến tìm cách giải quyết. (Ảnh: L.G.Đ.T)
Liên quan đến sự việc, chủ một vườn lan ở xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc đã gặp rắc rối vì trùng tên với vườn lan bị tố ôm 200 tỷ đồng bỏ trốn này. Do đó, người chủ đã phải đăng tải thông tin đính chính gấp để tránh ảnh hưởng uy tín.
Thời gian gần đây, việc đầu tư, kinh doanh lan mà đặc biệt là lan đột biến đang có xu hướng tạo thành trào lưu. Rất nhiều người bị những chiêu trò quảng cáo, PR, thổi phồng sự việc đánh lừa rồi từ đó bất chấp rủi ro, vay mượn, cầm cố tài sản để đầu tư kiếm lời.
Rất nhiều giao dịch lan tiền tỷ đều bị cho là chỉ để “làm màu”. (Ảnh: Thanh Niên)
Mặc dù chưa xác minh được sự việc chủ vườn lan ôm 200 tỷ đồng bỏ trốn kia có phải sự thật hay không nhưng trên thực tế đã có rất nhiều người đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong các giao dịch mua bán lan.
Tháng 12/2020, Công an Phú Thọ đã khởi tố 3 bị can về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lên đến 3 tỷ đồng. Những đối tượng này đã lừa người mua bằng cách dùng keo gắn hoa lan có giá trị cao vào gốc lan bình thường để bán lấy tiền.
Trước thực trạng này, cơ quan chức năng ở nhiều tỉnh thành đã siết chặt công tác quản lý, phổ biến, tuyên truyền cho người dân để không bị các đối tượng xấu lợi dụng. Khi phát hiện ra các trường hợp lừa đảo sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Cơ quan chức năng cảnh báo người chơi lan phải thận trọng trong việc mua bán. (Ảnh: Lao Động)
Đồng thời, về phía người chơi lan cần phải tỉnh táo, nâng cao tinh thần cảnh giác cũng như trang bị kiến thức, tìm hiểu kỹ giá cả trước khi thực hiện giao dịch. Cùng với đó, hãy chủ động phòng tránh thủ đoạn của những kẻ lừa đảo lợi dụng việc mua bán lan để trục lợi.